Chủ động xây dựng nền tảng cơ bản
Xây dựng thành phố thông minh là chủ trương lớn được TP Hà Nội đặc biệt chú trọng ngay từ những năm đầu thế kỷ 21. Ðể đẩy nhanh tiến trình này, HÐND thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết về điều chỉnh "Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020" và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Với mức kinh phí thực hiện được điều chỉnh từ 1.252 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng, đây là nền tảng quan trọng để Hà Nội xây dựng chính phủ điện tử, thành phố thông minh, phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Nhiệm vụ xây dựng thành phố thông minh với ba giai đoạn chính thức được đưa vào chương trình này. Xuất phát từ yêu cầu thực tế, trong giai đoạn 1 xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội tập trung hình thành cơ bản nền tảng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, ưu tiên phát triển các thành tố thông minh trong lĩnh vực giao thông, du lịch, y tế, môi trường, năng lượng, bảo đảm an ninh trật tự…
Hà Nội ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông thông minh. Từ ngày 1-5-2017, thành phố đã triển khai thí điểm ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô-tô qua điện thoại di động (iParking) trên hai tuyến phố ở quận Hoàn Kiếm gồm 17 điểm đỗ, sức chứa 248 xe. Với giao diện thân thiện và tích hợp nhiều tính năng tiện ích, sắp tới mô hình này sẽ được mở rộng tại 161 điểm trông giữ và chín tuyến phố thuộc bốn quận: Hoàn Kiếm, Ba Ðình, Ðống Ða, Hai Bà Trưng. Hiện thành phố đã xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm quản lý và điều hành Giao thông đô thị. Theo kế hoạch, trong quý I-2018, trung tâm sẽ đưa vào sử dụng hệ thống bản đồ giao thông số, cung cấp thông tin về tình hình giao thông, nhất là các điểm ùn ứ cho người dân qua điện thoại di động.
Tại quận Long Biên, một trong những quận đi đầu Thủ đô về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, đến nay tất cả các văn bản đã được số hóa, được giao và xử lý trên phần mềm; toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thành thạo ứng dụng dùng chung trong công việc; không sử dụng văn bản giấy trong cuộc họp; cung cấp thông tin công khai, minh bạch theo quy định. Quận cũng đang duy trì tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4 thuộc thẩm quyền ngay tại cấp phường.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Phan Lan Tú, trong quá trình xây dựng thành phố thông minh, việc ứng dụng công nghệ thông tin được đặc biệt coi trọng. Sau nhiều nỗ lực, thành phố đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân Hà Nội và khai thác hiệu quả từ năm 2016. Năm 2017, Hà Nội xếp thứ ba trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Hà Nội cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng trong hai năm qua, là địa phương duy nhất cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tới tất cả xã, phường, thị trấn. Không chỉ dừng lại ở quản lý hành chính, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn giải quyết các vấn đề thiết thực trong mọi mặt đời sống như quản lý giao thông, đô thị, y tế, du lịch, cung cấp thông tin về chất lượng không khí, chất lượng nước, lượng mưa, bản đồ ngập úng... cho người dân.
Từ chính quyền điện tử tới thành phố thông minh
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung khẳng định: Xây dựng thành phố thông minh là hướng đi bắt buộc của các đô thị lớn. Việc xây dựng chính phủ điện tử và thành phố thông minh sẽ giúp Hà Nội giảm chi phí quản lý của bộ máy chính quyền, chi phí của doanh nghiệp và là công cụ chính để cải cách hành chính. Với Hà Nội, xây dựng thành phố thông minh nhằm hướng tới cuộc sống tốt đẹp cho người dân, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Hà Nội đặt ra nhiệm vụ trong giai đoạn 2016-2020 là hoàn thành cơ bản việc xây dựng chính quyền điện tử. Trên thực tế, Hà Nội đã từng bước tiến gần hơn đến mục tiêu này. Riêng trong năm 2017, thành phố đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, tạo bước chuyển căn bản. Thành phố đã thay thế 170 chương trình phần mềm và sever riêng lẻ để kết nối mạng diện rộng từ thành phố xuống tới các sở, ban, ngành, 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành nội bộ tiếp tục được duy trì, có 85% số văn bản trao đổi giữa các đơn vị được thực hiện dưới dạng điện tử. Thành phố triển khai và đưa vào vận hành chính thức 81 dịch vụ công trực tuyến (tăng 74 dịch vụ so với năm 2016), nâng tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên 457 dịch vụ (tăng 45% so với năm 2016). Giao dịch với người dân và trong cơ quan chính quyền qua môi trường mạng đã được đẩy mạnh, rút ngắn thời gian, công sức của người dân, của doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch.
Ghi nhận những nỗ lực của TP Hà Nội trong lĩnh vực này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng gợi ý, thời gian tới, TP Hà Nội cần đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nền tảng kết nối chia sẻ dùng chung, các cơ sở dữ liệu cốt lõi phục vụ xây dựng chính quyền điện tử; từng bước triển khai các thành phần hướng tới phát triển thành phố thông minh. Thành phố cần hết sức quan tâm đến an toàn thông tin, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thủ đô Hà Nội đang nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng để trở thành thành phố thông minh,"xanh-văn hiến-văn minh-hiện đại", một đô thị phát triển năng động, hiệu quả. Ðể xây dựng thành công, ngoài sự nỗ lực của thành phố, rất cần có sự tham gia của các doanh nghiệp và sự tương tác của người dân trong quá trình triển khai. Trong năm "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018", thành phố sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu, các quy trình, các lĩnh vực, bảo đảm triển khai, vận hành tốt và nâng cao tỷ lệ các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với sự tham gia trực tiếp của đông đảo người dân. Với bước đi vững chắc và lộ trình cụ thể, mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố thông minh phát triển cao của Hà Nội là điều hoàn toàn có cơ sở.
Theo Nhân Dân
|