Trong 3 tháng đầu năm, dự án Chống lừa đảo đã phát hiện tới 3.271 trang web lừa đảo người dùng Việt Nam cho thấy các cuộc tấn công lừa đảo có xu hướng gia tăng.
Chuyên gia Ngô Minh Hiếu, điều hành dự án Chống lừa đảo cho biết, trong 3.271 trang lừa đảo người dùng Việt Nam được dự án này ghi nhận từ đầu năm đến nay, chiếm phần lớn là các website lừa đảo tài chính, với 3.076 trang từ giả mạo những thương hiệu, nhãn hãng lớn như Tiki, Shopee, Lazada đến các trang dụ đầu tư tài chính Forex, nhị phân Binary Option… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.
Gần 200 trang web lừa đảo còn lại là các trang lừa đảo đánh cắp tài khoản trực tuyến của người dùng, với các hình thức giả mạo các trang ngân hàng, tổ chức tín dụng, Facebook, Zalo, Garena...
Đại diện dự án Chống lừa đảo cũng cho biết, hiện nay, hình thức lừa đảo phổ biến nhất vẫn là lừa tuyển cộng tác viên "việc nhẹ lương cao", giả mạo các trang sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada và các thương hiệu lớn để chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân. Khoản tiền các đối tượng lừa chiếm đoạt được từ hình thức này thường từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng....
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, những năm gần đây, hành vi lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng đã trở nên phổ biến hơn. Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp, các đối tượng lừa đảo đã thu thập trái phép thông tin cá nhân của người dân hoặc giả mạo các tổ chức tài chính, ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Trong năm 2022, Cục An toàn thông tin đã chỉ đạo, điều phối, ngăn chặn, xử lý hơn 2.700 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật. Bảo vệ 4,87 triệu người dân, tương đương 6,96% người dùng Internet Việt Nam trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, số cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam được Cục An toàn thông tin phát hiện, hướng dẫn xử lý gần 3.000. Trong đó, riêng tháng 2/2023 là 1.687 sự cố tấn công mạng, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý là, số lượng tăng các cuộc tấn công mạng, theo Cục An toàn thông tin, chủ yếu là Phishing (tấn công lừa đảo), với nhiều các trang web, đường dẫn lừa đảo được đối tượng xấu lập ra để thu thập thông tin dữ liệu của người dân. Sự gia tăng các website lừa đảo cũng một phần là do sau khi các trang web lừa đảo cũ đã bị phát hiện và ngăn chặn, hacker tiếp tục tạo ra thêm nhiều trang web mới.
Nguồn: Cục ATTT